(VOV5) - Chương trình đối thoại giải đáp các vấn đề có liên quan tới bình đẳng giới; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu những đề xuất, kiến nghị từ sinh viên.
Các đại biểu giao lưu
|
Chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em, diễn ra sáng 13/3, tại Hà Nội, do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với T.Ư Đoàn và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức. Trực tiếp tham gia đối thoại với hơn 500 sinh viên các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women.
Buổi đối thoại tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính: Những vấn đề cơ bản của luật pháp quốc tế và quốc gia về bình đẳng giới; vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới; phân biệt đối xử trong lao động, việc làm - Thực trạng và giải pháp; những biểu hiện mới về bạo lực với phụ nữ hiện nay, nhất là bạo lực hẹn hò; lãnh đạo và vai trò ra quyết định của phụ nữ; sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại buổi Đối thoại
|
Trả lời câu hỏi của sinh viên về các hoạt động của Trung ương Đoàn trong vấn đề bình đẳng giới, cũng như hỗ trợ nữ thanh niên trong khởi nghiệp, việc làm, nâng cao kỹ năng xã hội và văn hóa, ông Lê Quốc Phong khẳng định: “Tổ chức Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia đảm bảo bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm. Trong các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội đều hướng tới tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò của các nữ đoàn viên thanh niên, hỗ trợ nữ thanh niên trên nhiều vùng miền trên cả nước, nhất là các trẻ em gái ở vùng sâu vùng xa. Trong nhiều giải thưởng của tổ chức Đoàn, Hội đã có những giải thưởng dành riêng cho các bạn nữ xuất sắc như trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Chú ý tới nhân tố nữ trong nhiều giải thưởng”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
|
Các sinh viên quan tâm đến việc sau khi gia nhập công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Việt Nam đã được những tiến bộ trong 10 năm gần đây, đặc biệt là về bình đẳng giới.
Giải đáp vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Về góc độ quan điểm chủ trương chính sách, Việt Nam là nước được đánh giá là có hành lang pháp pháp lý về bình đẳng giới. Về chính sách, hiện nay trong các văn bản luật được Quốc hội thông qua đều được đảm bảo về lồng ghép giới, các vấn đề luật pháp được ban hành đều có sự công bằng về giới. Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đạo biểu Quốc hội chiếm 26,7% là tương đối cao so với thế giới và khu vực. Trong kinh tế, tỷ lệ nữ doanh nghiệp cao, tỷ lệ nữ qua đào tạo nghề cũng tăng. Trong lĩnh vực chính trị, nữ trí thức, Giáo sư, Phó Giáo sư sau 10 năm tăng 2,6 lần… Việt Nam được coi là 1 trong 10 quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt mục tiêu phát triển mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Các sinh viên tham gia đối thoại thể hiện ý kiến cá nhân về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Chương trình đối thoại giải đáp các vấn đề có liên quan tới bình đẳng giới; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu những đề xuất, kiến nghị từ sinh viên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới bền vững trong thời gian tới.