Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước. Trong ảnh: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946 - Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Ngày này cách đây tròn 75 năm (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Ngày 18, 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo. Để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp và có đường lối lãnh đạo cách mạng, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, thay mặt Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, tiếng đại bác từ pháo đài Láng hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến được phát ra, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bùng nổ trên phạm vi cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.
Tròn 75 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vẫn vang vọng, như nhắc mọi người nhớ về một thời khắc lịch sử gian khó nhưng thật hào hùng. Lời kêu gọi đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm này, khi cả nước đang gồng mình vượt qua khó khăn, vừa chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, quân dân cả nước đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết... Với ý chí quyết tâm, đồng lòng, nhất trí, muôn người như một, tất cả đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, mất mát, từng bước kiểm soát, khống chế dịch bệnh, đưa đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới, ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế.