(VOV5)- Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Trong hai ngày 15 và 16/10, Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) thuộc Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 70 đã thảo luận về đề mục “Pháp quyền ở các cấp độ quốc gia và quốc tế”.
|
Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
|
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ủng hộ việc thực thi pháp luật ở cấp độ quốc gia và quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc. Bà Nguyễn Phương Nga nêu rõ Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Liệp quốc, các quốc gia thành viên và các đối tác trong cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo và thúc đẩy việc thực thi pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Trong phát biểu, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở cấp độ quốc tế và khu vực Việt Nam đang tích cực cùng các quốc gia thành viên ASEAN khác xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, hợp nhất về kinh tế và trách nhiệm về xã hội, cùng hướng tới một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây của các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, nhất là những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tại phiên thảo luận, đại biểu các quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc nhất trí cho rằng nguyên tắc tôn trọng pháp quyền là yếu tố cơ bản thúc đẩy quan hệ hợp tác, bình đẳng giữa các quốc gia, đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và thịnh vượng trên thế giới.