(VOV5) - Trưởng Đại diện UNFPA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ nữ làm lãnh đạo và cho rằng đây là một phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03/1910 - 08/03/2024), Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã có các bài viết khẳng định những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Chương Đài/TTXVN |
Trong bài viết “Phụ nữ và trẻ em gái được quyền đưa ra quyết định của mình”, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA, khẳng định Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong đầu tư nhằm nâng cao sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái. Ông Matt Jackson khẳng định UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ đảm bảo những dự án và chương trình của tổ chức này đều nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người dân; đặt con người là trọng tâm và luôn phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của họ. Trong bài viết, Trưởng Đại diện UNFPA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ nữ làm lãnh đạo và cho rằng đây là một phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Dịp này, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) có bài viết chung "Đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào phụ nữ", trong đó khẳng định Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Theo 2 tác giả, quy định pháp luật của Việt Nam, bao gồm Luật Bình đẳng giới và yêu cầu tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội từ 35% trở lên, đã tạo điều kiện cho môi trường chính sách và pháp lý thúc đẩy đầu tư vào nâng cao năng lực cho phụ nữ. Những nỗ lực đang cho thấy kết quả tích cực khi Việt Nam được đánh giá tăng 11 bậc trong Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới toàn cầu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, từ vị trí 83 lên vị trí 72 trong số 146 quốc gia. Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động trên 70%, được coi là một trong những nước cao nhất thế giới và với tỷ lệ thành viên nữ trong Quốc hội là 30,26%, Việt Nam đã vượt mức trung bình toàn cầu là 25,5%.