Việt Nam đề cao trọng tâm hội nhập quốc tế trong chính sách đối ngoại

(VOV5) - Trong chuyến thăm Anh dự Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ 5, chiều 7/3, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có bài nói chuyện tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) về hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đề cao trọng tâm hội nhập quốc tế trong chính sách đối ngoại  - ảnh 1
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói chuyện tại Chatham House, London (Ảnh: Vietnam+)


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định hội nhập quốc tế là trọng tâm nhất quán và xuyên suốt trong chính sách đối ngoại Việt Nam hiện nay và trong nhiều năm tới. Nếu như tiến trình “Đổi mới” thực hiện từ năm 1986 là bước ngoặt trong đường lối phát triển của Việt Nam thì hội nhập quốc tế là bước tiến tiếp theo ở tầm cao hơn của tiến trình này. Việt Nam hiện có 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với nhiều đóng góp thiết thực cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, nhất là trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Việt Nam đã ký 11 thỏa thuận thương mại tự do (FTA), trong đó riêng năm 2015 đã hoàn thành 5 FTA gồm cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong quá trình mở cửa và hội nhập của mình, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của Anh và mong muốn hợp tác toàn diện với Anh trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay Anh là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sau 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng hơn 3 lần (từ 1,7 tỷ USD năm 2009 lên 5,4 tỷ USD năm 2015) và đầu tư của Anh vào Việt Nam tăng hơn hai lần, đạt 4,6 tỷ USD với 216 dự án. Thời gian tới, hai bên tập trung vào hiện thực hóa 7 ưu tiên đã được thống nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng David Cameron tới Việt Nam tháng 7/2015, bao gồm hợp tác chính trị - chiến lược, quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo - văn hóa, khoa học - công nghệ, lao động.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác