(VOV5) - Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như đối với việc quản lý tàu cá, hiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ngày 23/04 kết thúc thời hạn 6 tháng (23/10/2017 đến 23/4/2018) mà EU đưa ra cho Việt Nam khắc phục các khuyến nghị nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thuỷ sản khai thác.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng việc thủy sản Việt Nam bị EU áp dụng "thẻ vàng" là rào cản, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cải thiện lại nghề cá; hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Đối với 9 khuyến nghị mà EC đưa ra hiện nay đều có ý nghĩa đối với nghề cá của Việt Nam. Hiện các khuyến nghị này đã được đưa vào Luật Thuỷ sản và sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2019.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, từ khi EU áp dụng "thẻ vàng", Việt Nam đã triển khai rất nhiều các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đến thời điểm này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.Đáng chú ý, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như đối với việc quản lý tàu cá, hiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, quy hoạch lại đội tàu cá phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, tăng cường truy xuất nguồn gốc, ghi chép có báo cáo, theo các quy định của các tổ chức nghề cá trong khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý thuỷ sản địa phương đang tiến tới cấm và chấm dứt hoàn toàn việc khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài. Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan chức năng cũng có rất nhiều các biện pháp tới tận ngư dân và cộng đồng địa phương trong việc chống khai thác bất hợp pháp.