(VOV5) - "Các hoạt động nhân đạo quốc tế cần tập trung nhiều hơn nữa cho việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, như: thảm họa, thiên tai, dịch bệnh."
Sáng nay (21/11), tại Hà Nội, diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11) với chủ đề “Châu Á-Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa”.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi, các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Huyền Phương/VOV5 |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ việc Việt Nam lần thứ 2 đăng cai tổ chức Hội nghị đã thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đối với Phong trào Chữ Thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm tới công tác nhân đạo quốc tế, và Việt Nam luôn mong muốn đóng góp một cách tích cực và hiệu quả nhất cho phong trào Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do xung đột vũ trang ở một số khu vực, thiên tại, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực…, đòi hỏi sự tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động nhân đạo cũng như phòng ngừa và ứng phó với thảm họa: "Các chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực và các bên liên quan cần dành ưu tiên cao và nhiều nguồn lực hơn nữa cho các hoạt động nhân đạo. Cần coi công tác nhân đạo là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Huyền Phương/VOV5 |
Bên cạnh các nỗ lực chung về phòng ngừa và giải quyết các hậu quả từ chiến tranh, xung đột truyền thống, các hoạt động nhân đạo quốc tế cần tập trung nhiều hơn nữa cho việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, như: thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực cao nhất để ngăn chặn xung đột và chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển công bằng, bền vững, bao trùm; bảo đảm không một dân tộc nào, không một cộng đồng dân cư nào bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của nhân loại. Giải quyết các vấn đề trên chính là xử lý căn nguyên gốc rễ của khủng hoảng nhân đạo."
Tham dự Hội nghị, bà Maha al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá cao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong vai trò là thành viên tích cực của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; cam kết IFRC sẽ tiếp tục hợp tác với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong thời gian tới.
Các phiên thảo luận của Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (21 – 23/11), tập trung vào các chủ đề: Sự hiểu biết về những khủng hoảng đang và có khả năng xảy ra trong thời gian tới; Sự sẵn sàng của Phong trào, Hội Quốc gia trong khu vực; Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cùng với đó là 5 hội thảo nhóm theo chủ đề.