(VOV5) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ tháng 1/2014, Việt Nam đã gia nhập phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu của Liên hợp quốc.
Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức công bố Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu 2019 - Khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ em ăn bổ sung ở Việt Nam, trong sáng 16/10, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải giảm được tất cả các chỉ số, trước hết là những chỉ số liên quan đến dinh dưỡng trẻ em, để giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi do thiếu dinh dưỡng, thừa cân. (ảnh: TTXVN) |
Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2019 với chủ đề “Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng” đánh giá một cách toàn diện về tình hình suy dinh dưỡng trẻ em thế kỷ 21 ở tất cả các dạng thức, miêu tả gánh nặng của ba dạng thức suy dinh dưỡng, đó là thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, và thừa cân.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho rằng mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua nhưng suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam. ảnh: Chinhphu.vn |
Khi chúng ta bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, chúng ta tôn vinh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực dinh dưỡng nhưng đồng thời chúng ta cần nhận thấy những tồn tại, hạn chế và thách thức mới. Tôi cho rằng trong thời đại ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam cũng như giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì. Chúng ta cần cùng nhau hợp tác để tạo ra sự khác biệt cho từng trẻ em ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ tháng 1/2014, Việt Nam đã gia nhập phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu của Liên hợp quốc. Mới đây Chính phủ Việt Nam đã thống nhất với UNICEF 2 nhiệm vụ ưu tiên, trong đó có vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là ưu tiên cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030: Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hơn, phải giảm tất cả các chỉ số, trước hết liên quan đến dinh dưỡng trẻ em, làm sao để tỷ lệ trẻ em thấp còi do suy dinh dưỡng, thiếu cân do suy dinh dưỡng, thừa cân do không có dinh dưỡng hợp lý nhất thiết phải giảm như chiến lược mà Chính phủ đã đề ra. Việc này không chỉ của riêng ngành y tế mà tất cả hệ thống chính quyền và tất cả các đoàn thể phải tham gia vì điều quan trọng nhất, đó là nhận thức của xã hội và của mỗi người dân.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ký tượng trưng Tuyên bố chung cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và ăn bổ sung ở Việt Nam.