(VOV5) - Việt nam nhận được 227 khuyến nghị và chấp thuận 182 khuyến nghị trong 7 lĩnh vực chính
Sáng 29/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo thông tin về tình hình thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) Chu kỳ 2 được Việt Nam chấp thuận. Trong phiên rà soát UPR chu kỳ 2 về Việt nam diễn ra hồi tháng 2/2014, Việt nam nhận được 227 khuyến nghị và chấp thuận 182 khuyến nghị trong 7 lĩnh vực chính như: cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; tăng cường và bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; giáo dục về quyền con người; tiếp tục gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế về quyền con người.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu (VOV) |
Ngay sau khi nghiên cứu các khuyến nghị đã được chấp thuận, Việt Nam đã phân công các bộ ngành triển khai thực hiện và tới nay đã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cho biết: Hầu hết các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận đã và đang được thực hiện tích cực và nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả cụ thể, trong đó đáng chú ý có việc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn; thông qua hàng chục văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như về bình đẳng giới.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các các cơ quan thuộc chính phủ, viện nghiên cứu và liên hợp quốc trình bày về kết quả thực hiện các khuyến nghị UPR, đặc biệt là trên các lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, và được đặt trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Các chuyên gia cũng thảo luận về những khó khăn, thách thức gặp phải trong việc thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 mà Việt Nam chấp thuận.