(VOV5) - Việt Nam cũng phát huy tích cực vai trò trong việc giải quyết vướng mắc, khó khăn, bế tắc do có các quan điểm khác nhau trong hội nghị.
Sau 5 ngày làm việc hiệu quả, tích cực (từ 2 đến 6/8/2021), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 54 (AMM-54) diễn ra theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả được ghi nhận. Hội nghị gồm chuỗi hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng cuộc gặp Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng trao đổi với báo chí về những điểm nhấn cũng như những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam tại hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết Việt Nam tham gia AMM-54 với tâm thế vừa hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 với rất nhiều đề xuất và sáng kiến. Trên thực tế, những đề xuất, sáng kiến Việt Nam đề ra vào năm 2020 đã duy trì được trong chương trình nghị sự của ASEAN, trong đó đặc biệt là vấn đề gắn hợp tác tiểu vùng với các chương trình hợp tác của ASEAN. Việt Nam cũng phát huy tích cực vai trò trong việc giải quyết vướng mắc, khó khăn, bế tắc do có các quan điểm khác nhau trong hội nghị. Chính Việt Nam đã đưa ra các đề xuất và vận động các nước đi đến thỏa thuận về Myanmar và sự đồng thuận để Anh trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN, đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác của ASEAN với các nước đối tác. Từ đó, các nước đối tác cam kết hỗ trợ ASEAN vaccine phòng COVID-19 cũng như chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine tại các nước ASEAN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng Hội nghị lần này diễn ra trong thời điểm đặc biệt, ASEAN đang đứng trước rất nhiều thách thức, có thể nói là vô cùng khó khăn. Đó là đợt bùng nổ mới của dịch COVID-19, cũng như sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, tình hình phức tạp ở Biển Đông, Myanmar. Trước tình hình đó, điểm nhấn mà hội nghị đạt được chính là sự khẳng định càng trong khó khăn nhận thức về giá trị của ASEAN càng tăng. Một điểm nhấn nữa, đó là vấn đề Myanmar. Hội nghị này đã quyết tâm triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm của các nhà lãnh đạo, trong đó có việc cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN- Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, tới Myanmar. Đồng thời, cũng quyết định sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai của ASEAN.
Về dịch COVID-19, ASEAN khẳng định lại việc tiếp tục các kế hoạch hợp tác lẫn nhau. ASEAN nhận được nhiều cam kết của các nước đối tác hỗ trợ ASEAN vượt qua đại dịch. ASEAN cũng nhận được ngày càng nhiều vaccine ngừa COVID-19 và các kế hoạch để phục hồi kinh tế sau dịch. Về đối ngoại, ASEAN đạt được một mốc quan trọng, đồng ý chấp thuận để Vương quốc Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.