(VOV5) - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival di sản Quảng Nam, lần thứ 6 – năm 2017, sáng 14/6, tại Thành phố Hội An, diễn ra Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”.
Tại hội Thảo, các đại biểu là chuyên gia trong nước và quốc tế nếu các ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như kinh nghiệm của các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu.
Quang cảnh Hội thảo
|
Cùng với đó là các ý kiến về các cơ chế và hướng tiếp cận mới trong quản lý di sản đô thị bền vững; Phục hồi và bảo tồn các di sản kiến trúc gỗ - trường hợp Hội An; Quản lý “Di sản đô thị” tại Việt Nam – thực trạng và giải pháp… Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: Trong lòng đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ.... Với giá trị tiêu biểu về văn hóa, ngày 4/12/1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Trong những năm qua, Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: "Đối với Hội An, trong những năm qua và thời gian tới cơ bản là muốn bảo tồn và phát triển du lịch trên cơ sỏ phát huy vai trò của cộng đồng và các bên liên quan, đó là vấn đề quan trọng nhất. Sự phát triển sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng và cũng từ cộng đồng sẽ có trách nhiệm bảo tồn, đó là mối liên kết chặt chẽ và phải phát huy được vai trò của cộng đồng và các bên liên quan".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, cho rằng: Các đô thị di sản phải được phát huy các giá trị bên cạnh đó là lồng ghép tăng trưởng với bảo tồn. Ngoài ra nên tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẽ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di sản. Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ và những nguy cơ thách thức trong thời gian qua đối với đô thị cổ Hội An cũng chính là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới. Do đó, ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn các đô thị cổ; sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa loại hình đô thị di sản này.