Việt Nam và OECD ký hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế
Quang Dũng, Phóng viên VOV tại Pháp -  
(VOV5) - Chiều qua (22/3) tại Paris, Pháp, Việt Nam và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ký hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC).
Phát biểu trước lễ ký, Phó Tổng thư ký OECD Yoshiki Takeuchi hoan nghênh việc Việt Nam ký thỏa thuận MAAC, cho rằng đây là tín hiệu rõ ràng thể hiện quyết tâm ngăn chặn hành vi trốn thuế ở nước ngoài, tiến tới minh bạch thuế, ứng phó với các dòng tài chính bất hợp pháp.
Bước đi này của Việt Nam, tiếp theo quyết định tham gia Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế vào tháng 12/2019, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với chương trình nghị sự minh bạch về thuế toàn cầu: "Tôi nghĩ đây là một cơ hội lớn khi Việt Nam ký tham gia Hiệp định rất quan trọng này. Chúng tôi đã có hơn 100 nước ký Hiệp định này nên Việt Nam có thể hợp tác với các quốc gia này cũng như với OECD trên tất cả các lĩnh vực về quản lý thuế. Chúng tôi hết sức hoan nghênh Việt Nam đã gia nhập cùng chúng tôi và tôi cũng muốn nói rằng Việt Nam đã làm rất tốt việc quản lý thuế nên tôi xin được chúc mừng Việt Nam đã ký Hiệp định này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn và Phó Tổng Thư ký OECD Yoshiki Takeuchi ký hiệp định. Ảnh: TTXVN |
Về phần mình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh, khẳng định: "Đây có thể nói là một bước tiến tiếp theo trong việc Việt Nam hội nhập vào hợp tác hành chính về thuế, thực hiện việc chống xói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu. Tham gia vào Hiệp định này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị và hiện vẫn còn một số bảo lưu. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường hạ tầng cơ sở thông tin để trao đổi thông tin cũng như khai thác các thông tin trao đổi của các nước. Để thực hiện việc này, Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hoá cơ sở thông tin, đảm bảo quy chuẩn về bảo mật thông tin quốc tế."
Hiệp định MAAC được OECD và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988. MAAC là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết trốn thuế và tránh thuế, hỗ trợ thu hồi nợ thuế....Tính đến ngày 30/01/2023, MAAC đã có 146 nước tham gia ký kết.
Quang Dũng, Phóng viên VOV tại Pháp