Xây dựng đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(VOV5) -  Các đại biểu đề nghị song song với việc rà soát, hoàn thiện việc ban hành luật, Chính phủ cần đồng thời ban hành các chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 
Trong phiên thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng 22/11, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng dự án Luật là cần thiết nhằm phát triển kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ phận đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đây cũng là một cú hích để khu vực này trở thành động lực thực sự của nền kinh tế, đạt được mục tiêu đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đảm bảo bình đẳng, không phân biệt trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ; cần quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để có thể tăng mạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Xây dựng đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. - Ảnh: TTXVN


Ông Hoàng Quang Hàm, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, nêu ý kiến: “Đề nghị khoanh vùng các nội dung hỗ trợ liên quan đến nguồn lực từ ngân sách, chỉ nên hướng vào mục tiêu quan trọng, cần thiết của 3 chương trình trọng tâm . kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn trong các chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm, theo đó quy định rõ trong luật những ưu đãi với các doanh nghiệp lớn đồng thời cân nhắc quy định rõ doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn phải có trách nhiệm thực hiện kết nối đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Các đại biểu cũng đề nghị song song với việc rà soát, hoàn thiện việc ban hành luật, Chính phủ cần đồng thời ban hành các chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa như sửa đổi quy định tiếp cận nguồn vốn tín dụng, sửa đổi chính sách hỗ trợ mua sắm công... để không chậm trễ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng trong sáng 22/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo Nghị quyết, thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ áp dụng đối với công dân của những quốc gia có đủ các điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là 2 năm, kể từ ngày 01/02/2017. Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; thảo luận dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác