175 nước ký kết thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

(VOV5) -Đây là bước đi quan trọng có thể đưa thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có hiệu lực trước dự kiến nhiều năm.

Sự kiện quan trọng này diễn ra ngày 22/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ). Đây là bước đi quan trọng có thể đưa thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có hiệu lực trước dự kiến nhiều năm. Tham dự lễ ký có nguyên thủ của nhiều quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự sự kiện này.

       

175 nước ký kết thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu - ảnh 1
Các nước ký thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Ảnh: Getty)


Phát biểu về những đề xuất cho lộ trình ứng phó với sự biến đổi khí hậu nhân lễ ký, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu 3 đề xuất: Thứ nhất, cần phát huy toàn bộ những cơ chế công nghệ và tài chính cũng như khả năng ứng phó sẵn có nhằm cung cấp đầy đủ các công cụ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thứ hai, tất cả các nước cần nỗ lực cao nhất để thực hiện những "đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định" (INDC) để đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris. Thứ ba, các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu bằng cách không chỉ thực hiện các cam kết trong INDC của mình mà còn cung cấp nguồn tài chính cho phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực hiện các INDC và các dự án thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Bộ trưởng cũng cho biết ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam. Trong năm nay, Việt Nam sẽ phê chuẩn thỏa thuận Paris và sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong INDC.


Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác