(VOV5) - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, sáng nay tại Hà Nội. Quảng Ninh là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất về cơ sở hạ tầng. Hiện chưa có thống kê về diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng do hoàn lưu bão gây ra.
|
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Tại cuộc họp, các thành viên Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho rằng: công tác trọng tâm trong ngày hôm nay là phải tập trung theo dõi mưa và lũ trên các sông để kịp thời chỉ đạo xử lý khi tình huống xấu xảy ra. Ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý: "Ở những nơi có nguy cơ cao về lũ ống lũ quét, sạt lở đất do mưa, đề nghị lực lượng biên phòng và quân đội địa phương các tỉnh theo dõi và hỗ trợ kịp thời trong việc sơ tán dân tại các địa phương trong vùng nguy hiểm, hỗ trợ xử lý những tình huống xảy ra sự cố kịp thời. Các địa phương ứng trực theo dõi sát thông tin, đặc biệt phải cử người đến tận nơi có những rủi ro nguy cơ cao để chỉ đạo và báo cáo kịp thời lên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương trong tình huống vượt quá khả năng của địa phương để có những biện pháp hỗ trợ".
Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Sammasun, lũ trên các sông ở miền núi phía Bắc dâng nhanh khiến nhiều nhà dân và diện tích hoa màu bị ngập. Ông Hoàng Văn Hiền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Từ tối qua, nước dâng nhanh, gây nhập khá nhiều nhà dân. Riêng thị trấn Lộc Bình có 30 hộ gia đình ngập nước phải di dời đến các điểm cao hơn. Bây giờ, nguy cơ cao nhất là các xã dọc sông Kỳ Cùng. Các xã, các thôn cơ bản bị chia cắt thông tin liên lạc gián đoạn. Nếu tiếp tục mưa thì sẽ rất nhiều nhà đổ".
Tại tỉnh Bắc Giang, từ đêm qua đến sáng nay mưa tiếp tục xảy ra tại một số địa phương. Nguy cơ mất an toàn đê và hồ đập ở Bắc Giang là khó tránh khỏi nếu mưa lớn tiếp tục diễn ra./.