(VOV5)- Sau 5 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), GDP đầu người của Việt Nam đạt trên 1 nghìn 300 đô la Mỹ, thị trường được mở rộng tới 149 nền kinh tế thành viên khác của WTO. Đặc biệt, trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 2 lần so với năm 2007, với hơn 96 tỷ đô la Mỹ...Đây là những nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO” do Tạp chí Cộng sản với Bộ Công thương tổ chức sáng nay (9/3) tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau 5 năm gia nhập WTO, đến nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng 2,3 lần về số lượng và tăng 7,3 lần về số vốn đăng ký so với năm 2007. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường khu vực và thế giới. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân từ năm 2007 đến năm 2011 là hơn 19%, cao hơn mức 18% trước khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng và chinh phục thành công các thị trường khó tính, đồng thời thâm nhập mạnh hơn vào các thị trường mới. Quy mô thị trường truyền thống cũng được mở rộng, đến năm 2010, đã có 19 thị trường Việt Nam xuất khẩu đạt từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã hội nhập thành công vào WTO và đóng góp lớn cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết “Sau 5 năm tham gia tổ chức thương mại thế giới, chúng tôi cũng đã có nhiều điểm tiến bộ hơn thời gian trước. Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với thương hiệu đã được tốt hơn, và những thách thức của việc tham gia tổ chức thương mại thế giới cũng là động lực để cho tổng công ty có những cải tiến nhiều trong hoạt động quản lý, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như phát triển hệ thống thương mại nội địa.”
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định sau khi gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, sức cạnh tranh vẫn còn thấp, tính ổn định chưa cao. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học-công nghệ yếu, chưa có thương hiệu nổi tiếng./.