Báo Pháp: Việt Nam có thể có hành động pháp lý phản đối Trung Quốc
Thùy Vân/VOV-Paris -  
(VOV5) - "Việt Nam có thể có những hành động pháp lý để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Báo chí Pháp ngày hôm nay đồng loạt đưa thông tin này lên hàng đầu trong các tin, bình luận về bài phỏng vấn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với hãng tin Reuters tại Manila.
Phóng viên thường trú của báo Le Monde (Thế giới) tại Đông Nam Á Bruno Philip trích dẫn câu nói của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rằng "Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế". Tác giả Bruno Philip nhận định đây là lần đầu tiên Việt Nam công khai nói về khả năng thực hiện một hành động pháp lý phản đối Trung Quốc. Hồi tháng 3, Philippines đã là quốc gia đầu tiên kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài LHQ, tổ chức quốc tế đặt tại La Haye, Hà Lan.
|
Ảnh chụp màn hình bài báo trên tờ Le Monde |
Về quan điểm của Việt Nam, tác giả Bruno Philip trích lời Thủ tướng chính phủ Việt Nam nhấn mạnh rằng "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng".
Trong bài báo, tác giả phân tích cùng ý kiến của nhiều chuyên gia ngân hàng tài chính rằng căng thẳng với Trung Quốc gây ảnh hưởng nhưng ở mức độ "hạn chế" đối với nền kinh tế của Việt Nam. Tác giả dẫn chứng lập luận của chuyên gia tại ngân hàng của Pháp Société Générale Sopanha Sa rằng 60% nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam là đến từ 3 quốc gia và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Đài Loan và Singapore. Trung Quốc đại lục đứng ở vị trí thứ 8 với 2% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Cũng theo chuyên gia ngân hàng này, vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng của Việt Nam. Chuyên gia tại tập đoàn bảo hiểm ngân hàng Euler Hermès Mahamoud Islam nhấn mạnh căng thẳng lần này có thể chỉ gây ra "tác động hạn chế đến nền kinh tế" Việt Nam và rằng "không ai có lợi khi tình hình xấu đi".
Theo quan chức phụ trách châu Á của ngân hàng Natixis Luca Silipo, thì "những tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đang tạo ra một bối cảnh nguy hiểm" bởi "sự hợp tác kinh tế đang gia tăng giữa các nước trong khu vực, sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi sản xuất toàn cầu, đã có thể góp phần giảm căng thẳng nhưng chính sách của Trung Quốc đang phá hỏng mọi sự cân bằng trước đó".
Bản tiếng Pháp của hãng tin Reuters đăng tải thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Việt Nam mong muốn một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Bài báo phân tích việc Philippines là quốc gia đầu tiên kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế, đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Cũng theo bài báo, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện và đe dọa Philippines rằng vụ kiện sẽ làm suy giảm nghiêm trọng quan hệ giữa hai nước. Bài báo nhận định: Dù Tòa án trọng tài quốc tế không có khả năng cưỡng chế để buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện các quyết định của tòa, nhưng một phán xét cuối cùng bất lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện sẽ thúc đẩy các quốc gia khác hành động tương tự và cùng tạo áp lực đối với Bắc Kinh.
|
Ảnh chụp màn hình trên website báo Le Figaro |
Trong khi đó tờ Le Figaro của Pháp trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ trích Trung Quốc đã đe dọa đến hòa bình khi đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài báo cũng thông tin đến độc giả về cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam với Tổng thống Philippines, và hai nhà lãnh đạo nhất trí đoàn kết phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc./.
Thùy Vân/VOV-Paris