Bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

(VOV5) - Sáng 15/5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc sau 9 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt nam Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được. Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng của Hội nghị lần này. Tại Hội nghị, Trung ương đã thảo luận đồng thời tiếp tục nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan. Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, Hội nghị thống nhất cần tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

 Về hoàn thiện pháp luật về đất đai, Hội nghị tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Hội nghị cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái; tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất.

Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Hội nghị nhất trí cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Về chính sách xã hội, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu phải coi việc không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và là trách nhiệm của toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Muốn vậy, phải bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn. Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, bảo đảm công bằng và bền vững….

          

Phản hồi

Các tin/bài khác