Bỏ phiếu tín nhiệm: Hợp Hiến và hợp pháp

(VOV5) Chiều 6/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 12 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến vào tờ trình Quốc hội về Nghị quyết quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.


Bỏ phiếu tín nhiệm: Hợp Hiến và hợp pháp  - ảnh 1


                              Ảnh: VGP/Xuân Tuyến


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã được xây dựng công phu, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.



Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định và phân cấp thẩm quyền việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cho cả Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định này, tạo điều kiện để việc lấy phiếu tín nhiệm được tập trung, tránh dàn trải và hình thức. Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Nếu đã bầu và phê chuẩn thì đều phải lấy phiếu tín nhiệm để giám sát xem chức vụ mà Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đó thì anh có hoàn thành nhiệm vụ không? Hoàn thành nhiệm vụ là hoàn thành nhiệm vụ ở chức vụ đó thôi, tức là uỷ viên Uỷ ban thôi. Hàng năm phải lấy phiếu tín nhiệm. Chúng tôi đã xử lý theo tinh thần là tiến hành việc lấy phiếu thôi còn việc bỏ phiếu thì để Uỷ ban và hội đồng làm. Cũng làm hàng năm nhưng không nhất thiết làm cùng 1 lúc với Quốc hội và Hội đồng nhân dân.  


Cũng qua thảo luận, đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp ngay lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm mà mức độ tín nhiệm quá thấp, sẽ xem xét bỏ phiếu tín nhiệm ngay, không cần đợi kết quả lấy phiếu tín nhiệm của năm tiếp theo.

Cũng trong chiều nay, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủ đô được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận như biểu tượng Thủ đô, danh hiệu công dân danh dự Thủ đô, vấn đề quản lý dân cư, xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành và chính sách, cơ chế về tài chính cho Thủ đô.


Phản hồi

Các tin/bài khác