Các địa phương chuẩn bị ứng phó với bão số 13

(VOV5)- Các tỉnh nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi, phát động nhân dân chằng chống nhà cửa đề phòng gió lốc.

Các địa phương chuẩn bị ứng phó với bão số 13 - ảnh 1

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này đã có trên 670 tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn.

Hiện còn 705 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong đó có 537 tàu hoạt động xa bờ, 168 tàu hoạt động ven bờ, tất cả các tàu thuyền này đều được thông báo tình hình diễn biến của bão và không nằm trong khu vực nguy hiểm.

Trước những diễn biến của bão số 13, ông Lê Văn Hưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung công tác thông tin tuyên truyền diễn biến của bão.

Đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, Bộ Đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản thường xuyên thông báo cho các phương tiện hướng di chuyển của bão để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Đồng thời nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; Phát động nhân dân chằng chống nhà cửa đề phòng gió lốc, tổ chức di dời dân sống ngoài đê vào trong đê, di dời các hộ nhà không an toàn đến nơi an toàn, có kế hoạch bảo vệ kho tàng, bến bãi, nhà cửa, cơ sở hạ tầng … tránh thiệt hại do bão và triều cường gây ra.

Hiện nay, lực lượng vũ trang huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương chuẩn bị đối phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Ban Chỉ huy quân sự tỉnh đã triển khai lực lượng giúp đỡ ngư dân kéo tàu, thuyền lên bờ. 

Đến sáng 6/11, đã kéo được trên 450 tàu, hoàn tất việc chằng chống nhà ở của dân, kho tàng của doanh trại quân đội để hạn chế tốc mái, sập đổ. Huyện  Phú Quý có 1.186 chiếc tàu, thuyền với hơn 4.700 lao động.

Đến sáng nay, TP HCM đã hoàn tất việc hành di dời toàn bộ người dân ở xã đảo Thạnh An và tàu thuyền ở huyện Cần Giờ vào nơi an toàn, đồng thời có phương án chủ động đối phó trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ có thể mạnh lên thành bão ảnh hưởng trực đến thành phố.

Từ 5 giờ sáng nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành di dời hơn 1.600 dân là người già, phụ nữ, trẻ, người khuyết tật tại xã đảo Thạnh An sang khu tránh bão ở thị trấn Cần Giờ.

Còn tại chỗ, 1.700 người dân cũng đã được chuyển sang khu vực an toàn là Ủy ban nhân dân xã Thạnh An và Đồn Biên phòng đảo Thạnh An.

Riêng hơn 1.500 tàu thuyền của Cần Giờ đã được vào nơi neo đậu an toàn từ chiều qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM, ông Lê Thanh Liêm đã xuống Cần Giờ, trực tiếp chỉ đạo việc di dời dân và tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn./.

Phản hồi

Các tin/bài khác