(VOV5) - Từ 21h tối 16/9, bão Kalmageri đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải phòng. Tại các địa phương này có gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, kèm theo những cơn mưa vừa đến mưa to.
|
Tại Quảng Ninh, bão làm một số nhà tốc mái, nhiều cây xanh, cột điện bị gãy, đổ, gần 1.000ha lúa bị ảnh hưởng, ước thiệt hại ban đầu trên 5 tỷ đồng. Trong khi đó tại thành phố Hải phòng, Bộ đội biên phòng thành phố đã cứu hộ thành công một tàu cá với 13 ngư dân bị đứt dây neo, trôi dạt tại khu vực luồng tàu vào bến tàu Việt Hải, huyện đảo Cát Hải. Dù không có thiệt hại lớn nhưng đề phòng mưa lớn do hoàn lưu sau bão gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải phòng yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn và lãnh đạo các sở, ngành được phân công phụ trách địa bàn phải ứng trực để nắm bắt diễn biến tình hình mưa bão trên địa bàn, kịp thời có biện pháp ứng phó. Trong sáng nay, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng tiếp tục cử các đoàn công tác chỉ đạo hoàn thành công tác khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất và hỗ trợ nhân dân. Ông Nguyễn Minh Tân, ở phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, cho biết: Nhân dân Đồ Sơn rất tích cực trong việc tự phòng chống bão. Người dân luôn thận trọng và tối đa bảo vệ tài sản của mình. Mọi gia đình đều chuẩn bị chu đáo trong khả năng của mình. Ở đây thường sóng biển vào, đường bị ngập nên các nhà thường xuyên phải chống không cho nước tràn vào nhà.
Nằm trong vùng bị ảnh hưởng của bão, trong đêm 16/9 và rạng sáng 17/9, các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai tổ chức trực ban suốt ngày đêm theo dõi diễn biến bão. Tại tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời người dân khỏi nguy hiểm. Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, cho biết: việc di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đã thực hiện xong để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ông nói: Tỉnh Hà Giang đã có phương án sẵn sàng ứng phó. Những vùng có nguy cơ sạt lở đã có phương án di dời người dân khỏi nơi xung yếu. Đối với Hà Giang xác định các huyện gồm Hoàng Xu Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Yên Minh, Mèo Vạc có nguy cơ sạt lở cao nhất phải tập trung di dời các hộ dân. Ở miền núi có khi lở đất 1 nơi nhưng gây hậu quả ở nơi khác, rất nguy hiểm. Chúng tôi cố gắng đến mức tối đa để tránh thiệt hại cho người và tài sản.
Cùng với việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão Kalmageri cũng tổ chức duy trì lực lượng để ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; chủ động các biện pháp chống ngập úng; bố trí lực lượng kiểm tra đảm bảo an toàn tại các tuyến đê xung yếu, hồ đập và các công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện tham gia chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.