(VOV5) - Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư và trở thành địa điểm đầu tư đáng tin cậy.
Thành công của Việt Nam trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 được nhận định sẽ là tạo nên bước ngoặt lớn trong thu hút FDI tại Việt Nam trong năm 2018.
Cùng với thành quả đó, niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng tăng. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư và trở thành địa điểm đầu tư đáng tin cậy.
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí. |
3 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,8 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2017.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, lạc quan khi cho rằng vốn FDI vào Việt Nam đang diễn biến tích cực. Một điểm đáng chú ý là hiệu ứng tích cực từ Hội nghị cấp cao APEC đã và đang đưa Việt Nam đứng trước cơ hội chưa từng có về thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, trước hết từ các nền kinh tế thành viên APEC. Ví dụ như hai dự án là dự án của ExxonMobil và dự án của BRG với Sumitomo, nếu được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2018 thì số vốn của hai dự án này đã đủ làm nên con số tăng trưởng ấn tượng của vốn FDI vào Việt Nam.
Tính đến 20/3/2018, cả nước có 618 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,12 tỷ USD. - Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn |
Ngoài ra, Việt Nam có những thuận lợi to lớn khác để thu hút FDI trong năm nay, trong đó rõ nét nhất là những tác động tích cực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, tác động tốt tới kinh tế và thu hút đầu tư của Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) )đang được nhiều quốc gia Châu Âu tham gia, phê chuẩn cũng mở ra những thuận lợi mới cho FDI của Việt Nam.
Phát biểu tại một hội nghị mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ Việt Nam nhất quán với chủ trương tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với các đối tác trên thế giới: Hiệp định EVFTA là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mới được Việt Nam và 10 nước ký kết, EVFTA thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì một môi trường mở, minh bạch, thân thiện với đầu tư nước ngoài và tuân thủ những quy tắc cơ bản của hệ thống thương mại đa phương.
Để nâng cao chất lượng của môi trường đầy tư, hiện Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và có định hướng rõ ràng để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó nhấn mạnh định hướng thu hút có chọn lọc các dự án FDI, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; triển khai vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về FDI; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.