Chiến lược Tokyo chú trọng bảo đảm ổn định và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mê Kông

(VOV5) Ngày 4/7, tại Tokyo diễn ra Hội nghị Cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần thứ 7 với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.


Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mê Công-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mê Công. Để triển khai Chiến lược Tokyo, các nhà lãnh đạo yêu cầu các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế xây dựng Kế hoạch hành động và “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Công”. 


 Chiến lược Tokyo chú trọng bảo đảm ổn định và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mê Kông - ảnh 1

Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật bản lần thứ 7 (Ảnh: Đức Tám)

Trong Tuyên bố chung Mê Công-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

 Chiến lược Tokyo chú trọng bảo đảm ổn định và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mê Kông - ảnh 2

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đóng góp của hợp tác Mê Công-Nhật Bản đối với phát triển kinh tế xã hội của tiểu vùng Mê Công và tiến trình hội nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra ba nội dung chính mà hợp tác Mê Công-Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu ‘tăng trưởng chất lượng’ tại các quốc gia thành viên gồm: Hỗ trợ các nước Mê Công xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; Bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công; Bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ những quan điểm chung của hội nghị và nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Thủ tướng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 7, tối 3/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp tích cực, hiệu quả của tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản thời gian qua.Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, vì vậy Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản cần tăng cường phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vận động Nhật Bản tiếp tục duy trì nguồn vốn ODA ở mức cao cho Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Nhật Bản chấp hành nghiêm luật pháp sở tại, hướng về xây dựng quê hương đất nước.

Phản hồi

Các tin/bài khác