Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật

(VOV5) - Ngày 12/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ nghe, thảo luận về Báo cáo Tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Báo cáo dự thảo ý kiến tham gia của Chính phủ về chương VII: Chính phủ; Báo cáo đề xuất của Chính phủ về nội dung Chương IX: Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992…


Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, ngày 12/8. Ảnh: VGP


Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Xác định mô hình chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn với việc lựa chọn triển khai tổ chức Hội đồng nhân dân như thế nào. Các phương án, nhất là phương án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường phải có đánh giá tổng kết các mặt từ thực tiễn và lấy ý kiến cấp ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước trước khi Chính phủ biểu quyết lựa chọn để hoàn thiện Đề án. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhất là sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các vấn đề trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến Chương XII: Chính phủ và Chương IX: Chính quyền địa phương sẽ được tiến hành lấy ý kiến biểu quyết của từng thành viên Chính phủ. Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận thảo luận các biện pháp tăng cường cơ chế kiểm soát tập trung việc ban hành thông tư và thông tư liên tịch, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích cá nhân, tổ chức và thảo luận về một số dự án Luật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Đồng thời yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản, tiến hành quy trình thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ và hiệu quả. Ngày 13/8, Chính phủ tiếp tục thảo luận về các dự án Luật./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác