(VOV5) - Sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương nhằm lắng nghe ý kiến của các địa phương đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
|
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ở điểm cầu Trụ sở Chính phủ tại Hà Nội (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014 đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn mới thực hiện được. Do đó, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ với tinh thần quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp, có trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực. Trước hết là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm; cơ bản ổn định tỷ giá; quản lý tốt hơn thị trường vàng; thúc đẩy xuất khẩu…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng ta đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là điểm sáng của nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan mà phải tiếp tục tăng cường ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, coi đây là điều kiện trước măt, cần thiết cho phát triển bền vững những năm tới. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó giải quyết nợ xấu, thủ tục hành chính… để đạt tăng trưởng 5,8% năm 2014.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu trong năm tới, các cấp, ngành tập trung đào tạo nguồn nhân lực; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu; giảm nhanh nợ xấu. Thủ tướng cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã phê duyệt, phải tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đảm bảo các chính sách, chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu./.