Chuyên gia Mỹ bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư là sự kiện lịch sử

(VOV5) - “Tổng thống Mỹ thường chỉ tiếp nguyên thủ hoặc thủ tướng các nước tại phòng Bầu Dục nhưng cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ngoại lệ".

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Mỹ từ ngày 6-10/7 theo lời mời của Chính phủ Mỹ. Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về ý nghĩa của chuyến thăm quan trọng của Tổng Bí thư.


chuyen gia my binh luan chuyen tham cua tong bi thu la su kien lich su hinh 0
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á (CSIS) Ernest Bower


Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Mỹ, vì đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Namthăm chính thức và hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng. Với 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu quan hệ Việt-Mỹ, ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC cho rằng đây là chuyến thăm lịch sử, cho thấy quan hệ Việt-Mỹ đang ngày một sâu sắc.

Ông Bower nhận định: “Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần củng cố lòng tin và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước. Chúng ta cần đẩy mạnh các cam kết của hai nước để nâng tầm quan hệ song phương. Tôi hy vọng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp. Người Mỹ đã sẵn sàng và chúng ta cần chuyến thăm này như một bước tiến vô cùng quan trọng để đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới".

Theo ông Bower, chương trình nghị sự của chuyến thăm có thể bao gồm các vấn đề như thỏa thuận an ninh đã được ký giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, tầm nhìn chung về quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ…nhưng điểm nhấn quan trọng nhất chính là sự khẳng định và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước.

“Tôi cho rằng điều thực sự quan trọng là chúng ta tôn trọng nhau và đặt lòng tin vào nhau. Đây chính là điều mà tôi gọi là lòng tin chiến lược. Nếu có lòng tin chiến lược thì không có gì mà chúng ta không thể hợp tác với nhau được", ông Bower nói.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Gregory Poling nhìn nhận việc Mỹ bỏ qua thông lệ để tiếp đón lãnh đạo một chính đảng nước ngoài với nghi lễ trọng thị nhất cho thấy Washington đánh giá rất cao quan hệ với Việt Nam cũng như vai trò của Đảng Cộng sản: “Chuyến thăm cho thấy Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Thường thì Tổng thống Mỹ chỉ tiếp nguyên thủ quốc gia hoặc thủ tướng các nước tại phòng Bầu Dục nhưng cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp ngoại lệ, vượt ra ngoài nghi thức lễ tân truyền thống của Mỹ, vì đây là sự kiện đặc biệt quan trọng".


chuyen gia my binh luan chuyen tham cua tong bi thu la su kien lich su hinh 1
Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á Gregory Poling


Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia nghiên cứu Ernest Bower cho biết Mỹ coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hai nước đang hợp tác hiệu quả trên nhiều phương diện: “Chính quyền Tổng thống Obama coi Việt Nam là một trong những đối tác có tư tưởng chiến lược nhất của Mỹ tại châu Á. Trên thực tế thì hai nước đã cho thấy rằng chúng ta có thể hợp tác và mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng, giao lưu nhân dân…Mỹ nhận thức rõ vai trò quan trọng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ hợp tác giữa hai nước".

Các chuyên gia Mỹ đều khẳng định chính sách châu Á của Mỹ là nhất quán và cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều sẽ tiếp tục ủng hộ quan hệ Việt-Mỹ.

Ông Gregory Poling nhìn nhận: “Cả hai đảng đều hiểu rõ rằng quá trình hòa giải với Việt Nam rất quan trọng và đã thành công, và một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương đều quan trọng đối với cả hai bên. Việt Nam là một đối tác an ninh chiến lược của Mỹ, không chỉ vì vấn đề Biển Đông mà còn trong nhiều vấn đề an ninh khác tại châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ mà minh chứng là hai bên đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù Mỹ và Việt Nam còn khác biệt trong một số lĩnh vực trong đó có nhân quyền nhưng cả hai chính đảng của Mỹ đều thống nhất rằng vấn đề này sẽ không làm chệch hướng quan hệ tổng thể giữa hai nước.

Nhật Quỳnh, Huy Hoàng/VOV-Washington

Phản hồi

Các tin/bài khác