Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới: Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch Ebola

(VOV5)- Hôm nay, tại cuộc họp báo, Bộ Y tế khẳng định hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra.

 

Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người  làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể. Ông Kato Masaya, Chuyên gia điều phối kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola tại Châu Á và nguy cơ lây nhiễm virus Ebola vào Việt Nam rất thấp. Ông Kato Masaya chỉ rõ: " Sở dĩ tôi nói nguy cơ xâm nhập Ebola vào Việt Nam rất thấp, có 2 lý do. Thứ nhất bệnh này lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp rất gần hoặc gián tiếp với người, động vật nhiễm virus Ebola. Thứ hai đến nay Viêt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola, tức là chưa có nguồn lây bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng triển khai các biện pháp phòng tránh rất tốt, nên nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp."

Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thời gian tới, Bộ Y tế Việt Nam chủ động phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức quốc tế và các nước đang có dịch bệnh để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ đối với Việt Nam. Đồng thời tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện nhà nước và tư nhân; phòng chống lây nhiễm trong cán bộ y tế; đào tạo cán bộ lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển theo tiêu chuẩn quốc tế đối với vi rút Ebola. Bộ Y tế tiếp tục rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và xây dựng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh khi xảy ra.


Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới: Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch Ebola - ảnh 1
Thực hiện kiểm soát dịch bệnh ngay từ cửa khẩu (Ảnh: KT)

Thực hiện tờ khai y tế sớm hơn kế hoạch, để phòng bệnh Ebola

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định áp dụng tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh từ Châu Phi. Đó là thông tin được đề cập tại cuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi diễn ra chiều 11/08 tại Hà Nội. Tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola được xếp vào nhóm A (nhóm dịch bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao). Trước việc, dịch bệnh Ebola ở khu vực Tây Phi đang lây lan nhanh và đã có gần 1000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này, trong đó có hơn 200 nhân viên y tế, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, nhất là qua đường hàng không. Do vậy, Bộ đã quyết định thực hiện tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế sớm hơn kế hoạch. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Mặc dù Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh áp dụng tờ khai vào ngày 15/8. Nhưng trước tình hình dịch và Thủ tướng Chính phủ đã họp gấp và chỉ đạo, chúng tôi đã yêu cầu ngay ngày hôm nay gần như tất cả các cửa khẩu tiến hành áp dụng tờ khai, đối với đường hàng không và đường bộ, đường thủy. Nhưng mà cũng có cái khó ở đây là các hành khách đi từ 4 nước trở về họ không có chuyến bay tập trung thì khi về Việt Nam mình không biết họ đi về từ chuyến bay nào. Như vậy tại sân bay xem hộ chiếu những trường hợp nào đi về từ các nước có dịch thì chúng ta áp dụng tờ khai.


Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tạm dừng việc đưa khách đến Châu Phi. Bộ lao động Thương binh và xã hội tạm dừng việc đưa lao động đi các nước có dịch bệnh Ebola. Bộ Ngoại giao cũng đã có công điện đến Đại sứ quán Việt Nam ở Nigeria và Ma-rốc, đề nghị hướng dẫn cho công dân Việt Nam sinh sống tại Tây Phi các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh Ebola, đồng thời thông tin kịp thời cho Bộ Ngoại giao về tình hình dịch bệnh ở Châu Phi.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị 10 Bộ, ngành thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ trong công điện phòng chống dịch bệnh Ebola, trong đó chủ động thực hiện những nhiệm vụ đã được phân công./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác