(VOV5) - Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công bố trước giới báo chí sáng 17/4 tại Hà Nội. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam thời điểm năm 2012, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng từ 1,6 - 2,2 độ C trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam, mực nước biển dâng trung bình từ 57 - 73 cm trên toàn dải ven biển Việt Nam.
|
Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra 10 giải pháp, nhiệm vụ. Đó là: Tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, cảnh báo thiên tai, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh về nước; Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế theo hướng cacbon thấp; Xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu…
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết:“Đến thời điểm này Việt Nam làm được rất nhiều việc. Hệ thống thể chế, chính sách về pháp luật về biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai từng bước được xây dựng. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng đã được ban hành. Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ về Đề án chủ trương, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Đến nay đã có 45/63 tỉnh, thành phố ban hành được kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và chủ động của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tới công tác truyền thông, nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.