(VOV5) - Liên minh Châu Âu (EU) ngày 9/5 lên tiếng lo ngại và sẽ theo dõi sát sao tình hình Biển Đông. Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài TNVN, ông Sébastien Brabant, Phó phát ngôn viên của Cao
ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine
Ashton, khẳng định Liên minh châu Âu rất lo ngại về những sự cố liên quan đến Trung Quốc và Việt nam về hoạt động của giàn khoan HD981 của Trung Quốc
, ông nhấn mạnh
: Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tìm kiếm những giải pháp hòa bình và hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển; cũng như yêu cầu các bên tiếp tục đảm bảo việc đi lại tự do và an toàn của tàu bè. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên liên quan tiến hành các biện pháp giảm căng thẳng và kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Liên minh châu Âu sẽ theo dõi sát sao những diễn biến tiếp theo tại khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq khẳng định: Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: "Ấn Độ đang theo dõi với sự lo ngại về những diễn biến mới đây tại Biển Đông và cho rằng, duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực là lợi ích sống còn đối với cộng đồng quốc tế. Ấn Độ mong muốn các bên giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình dựa trên các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”. Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan Geetesh Sharma cũng kêu gọi Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế và tiến hành thương lượng theo luật quốc tế.
Một nhóm các Thượng nghị sỹ có thế lực của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông. Đồng thời bày tỏ hy vọng các nghị sỹ tại Thượng viện hãy sớm nhất cùng nhau thông qua nghị quyết này nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng cho những hành động mang tính khiêu khích trên đây của Trung Quốc.
Trong khi đó, giới học giả quốc tế nhận định hành động của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế và mang mục đích chính trị. Ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan HD-981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Giáo sư Fravel cũng khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Cùng chung đánh giá trên, Giáo sư Kumao Kaneko, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược năng lượng của Nhật Bản, cho rằng việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lợi trên gần như toàn bộ biển Đông và cả biển Hoa Đông là điều khó chấp nhận. Nhìn trên bản đồ có thể thấy khu vực mà Trung Quốc đưa giàn khoan vào gần Việt Nam hơn hẳn so với Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng có quyền đối với vùng biển này. Theo giới truyền thông quốc tế, Việt Nam có thể thúc đẩy các thủ tục pháp lý chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc để buộc họ phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam