(VOV5) - Sáng 25/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực, chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng để nghe và thảo luận 3 đề án quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, đó là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đề án Xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 và Đề án thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo.
|
Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Minh Thăng |
Theo Đề án xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 trình tại phiên họp, nhiệm vụ đặt ra là tiến hành tổng kết và đánh giá việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa hiện hành; có sự tham khảo, học tập xu thế và kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa và hoàn thiện trình Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Trung ương Đảng (khóa 11) trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong tháng 3 tới. Thủ tướng yêu cầu: Chương trình hành động cần bám sát và cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương với 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra; song song với đó, rà soát lại danh mục cụ thể của đề án để triển khai có trọng tâm trọng điểm; quá trình thực hiện đặc biệt lưu ý đến tính khả thi. Đối với Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, Thủ tướng đề nghị: các thành viên Hội đồng và các bộ, ngành liên quan cần tham gia vào quá trình giám sát, phản biện của Quốc hội, qua đó chỉnh sửa, sớm hoàn thiện đề án trình Quốc hội thông qua. Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt cần triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông đáp ứng yêu cầu hiện nay, tiến tới nghiên cứu lập đề án, tổ chức hội thảo xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, có tiếp thu kinh nghiệm thế giới để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, giáo dục suốt đời.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã cho ý kiến về Tờ trình về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo.