(VOV5) - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, vào hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1/5/2014 đến nay gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như ngư dân thành phố Đà Nẵng.
|
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Hà) |
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, khẳng định việc làm này là bất hợp pháp Địa điểm mà Trung Quốc kéo tàu dàn khoan đến gần đảo Lý Sơn là hoàn toàn thuộc phạm vi của Việt Nam và của huyện đảo Hoàng Sa, thuộc thành phố Đà Nẵng. Đây là sự thật lịch sử hiển nhiên không thể chối cãi, không thể tranh cãi. Rõ ràng, đây là một sự vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Ngư dân Lê Văn Kỳ, thuyền trưởng tàu cá QNg-92479, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Ngư trường này từ ngày xưa nay cha ông ta để lại. Vùng biển này chúng tôi đã đánh bắt ở đó, bây giờ Trung Quốc hành động như vậy rất là phi lý. Chúng tôi cực lực phản đối.
|
Ngư dân tàu cá QNg 92479 tất bật chuẩn bị cho chuyến khơi mới (Ảnh: Thanh Hà) |
Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc. Ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về các hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, coi đó là cách hành xử nguy hiểm. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ ở Washington cho rằng việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của Việt Nam là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa. Bà Jen Psaki kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với lụât pháp quốc tế. Trước đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu lớn vào khu vực tranh chấp ở Biển Đông, coi đây là một hành động khiêu khích, không có lợi cho hòa bình, ổn định và càng làm tăng thêm những căng thẳng trong khu vực.
Tại châu Âu, nhiều học giả Italy cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh, ổn định và an toàn hàng hải tại biển Đông. Theo các học giả, với tư cách là một thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) và đang ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này, Italy cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, tiến tới việc giải quyết những tranh chấp liên quan trên vùng biển này, theo luật pháp quốc tế.