Giải quyết mọi tranh chấp trên biển đều phải dựa trên Luật biển năm 1982

 Giải quyết mọi tranh chấp trên biển đều phải dựa trên Luật biển năm 1982 - ảnh 1

 Ảnh minh họa: TTXVN


Luật biển năm 1982 chưa thoả mãn được lợi ích và mục tiêu của mọi quốc gia nhưng đó vẫn là nền tảng cho hành động và hợp tác trong lĩnh vực biển. Ngày 06/12, phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc về "Đại dương và Luật biển", Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đã có những đóng góp vô cùng tích cực và to lớn trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đã cung cấp khung pháp lý được thừa nhận rộng rãi trên toàn cầu để các quốc gia ven biển thiết lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ về biển. Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh Việt Nam nhất trí với quan điểm chung về tầm quan trọng của việc sử dụng và phát triển bền vững các đại dương và biển, trong đó duy trì hoà bình, ổn định và trật tự trên biển là một phần không thể tách rời. Là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài tiếp giáp với Biển Đông, Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề hợp tác khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề sử dụng và quản lý Biển Đông. Về vấn đề này, yếu tố quan trọng chính là sự tôn trọng trật tự luật pháp đã được thiết lập bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, công ước đã được hầu hết các nước xung quanh Biển Đông tham gia.


Theo Đại sứ Bùi Thế Giang, hiện tồn tại những tranh chấp phức tạp về chủ quyền ở Biển Đông. Những tranh chấp này nếu không được xử lý và giải quyết một cách thỏa đáng sẽ tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, cản trở việc sử dụng hợp pháp vùng biển này cũng như các tài nguyên của nó cho nhu cầu phát triển của quốc gia ven biển cũng như những nỗ lực hợp tác vì sự phát triển bền vững khác. Nhận thức rõ thực tế này, Việt Nam đang tích cực làm việc để tìm ra giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và được tất cả các bên liên quan chấp nhận. Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cam kết cùng nhau làm việc để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các bên có liên quan, đặc biệt là các nước trong khu vực, cố gắng tạo ra một môi trường thuận lợi cho hòa bình, phát triển, hợp tác và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia ở Biển Đông./.

Các tin/bài khác