(VOV5) - Hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao (BOT)”.
Giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được hơn 171 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn BOT là gần 155 nghìn tỷ đồng, chiếm tới hơn 90%. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 trong tổng số 59 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 137 nghìn tỷ đồng. Hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cùng với 16 đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát, nhiều ý kiến đề nghị chú trọng đến việc kiểm tra, kiểm toán, nâng cao vai trò thanh tra, kiểm tra của nhà nước, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt chẽ việc thu phí giao thông đường bộ, bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng; đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ các trạm thu phí trong cả nước, trạm nào không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km thì Nhà nước mua lại quyền thu phí. Theo các đại biểu, phải tổng rà soát để xây dựng quy hoạch về BOT, có quy hoạch chi tiết, nêu rõ quy định kiểm soát chi phí đầu tư, huy động vốn, quản lý hợp đồng, cơ chế công khai, minh bạch về lựa chọn nhà đầu tư, phương án tài chính.
Tại phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành giám sát nội dung này.