(VOV5)- Hoạt động của thương mại biên giới đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam hơn 10 tỷ USD/năm.
Tại Hội nghị giao ban công tác Ban chỉ đạo thương mại biên giới diễn ra sáng nay, 26/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới từ năm 2008 đến hết tháng 9 vừa qua đạt 72 tỷ USD. Những năm qua, thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước chung biên giới có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng nhanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng công tác quản lý thương mại biên giới thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, việc tái xuất hàng hóa chủ yếu diễn ra tại các cửa khẩu, lối mở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu hệ thống kho, bãi, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống giao thông sơ sài, một số tuyến đường đang trong quá trình cải tạo nâng cấp, đi lại khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, chi phí chưa cao nên chưa thu hút được hoạt động xuất nhập khẩu thương mại biên giới. Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng Ban chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương, cho biết: “Chúng ta sẽ phải chủ động đàm phán, rà soát với các nước có chung biên giới, xây dựng và ký kết các hiệp định về thương mại, dịch vụ qua biên giới cùng với các hiệp định khác có liên quan nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đã đặt ra. Tiếp đó, đẩy mạnh chiến lược quy hoạch, kế hoạch hợp tác phát triển thương mại biên giới với các nước láng giềng có chung biên giới. Trước mắt ban chỉ đạo Trung ương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới.”
Cùng với sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hoạt động thương mại biên giới sẽ góp phần đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc lên 60 tỷ USD, Việt Nam-Lào lên 2 tỷ USD và Việt Nam-Campuchia lên 5 tỷ USD vào năm 2015./.