(VOV5) - Tiếng Việt (và chữ Việt) là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếng Việt ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội, là công cụ giao tiếp chính yếu, góp phần truyền tải các tri thức khoa học, các tác phẩm văn học nghệ thuật, v.v. Đặc biệt, tiếng Việt là công cụ chính yếu trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Cùng với những chuyển biến tích cực, thành quả to lớn, việc sử dụng tiếng Việt những năm qua đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Tiếng Việt trên các phương tiện báo chí và truyền thông cũng bộc lộ những sai lệch, thiếu trong sáng rất cần sự xem xét nghiêm túc, sự chấn chỉnh, hướng dẫn đúng đắn, kịp thời.
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" (1966-2016), Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và một số cơ quan Trung ương tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng".
1. Mục đích của Hội thảo: Khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt - ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng; góp phần định hướng cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là trong bối cảnh và trách nhiệm truyền thông hiện đại.
2. Thời gian: Cuối tháng 10-2016.
3. Địa điểm: Đài Tiếng nói Việt Nam – 58 Quán Sứ Hà Nội.
4. Đối tượng tham gia: các nhà quản lý, hoạch định chính sách; những người đang công tác trên lĩnh vực báo chí, truyền thông; những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và tất cả những ai quan tâm tới chủ đề này ở trong nước và nước ngoài.
5. Nội dung chính:
+ Những vấn đề liên quan tới việc Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nói chung: Về các khái niệm "ngôn ngữ và ngôn ngữ truyền thông", "sự khác biệt về truyền tải ngôn ngữ trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và cách thể hiện sao cho thích hợp", "bản sắc ngôn ngữ", "sự trong sáng của tiếng Việt", "Tiếng Việt toàn dân, tiếng Việt trên báo chí và những yếu tố cần phải bảo tồn, giữ gìn cái hay, cái đẹp, cái trong sáng đối với tiếng Việt truyền thông hiện đại", “Tính gương mẫu và sáng tạo trong ngôn ngữ của các nhà lãnh đạo, các nhà báo và công chúng báo chí” v.v.
+ Những thành tựu của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng 71 năm qua (kể từ ngày thành lập nước Việt Nam mới, 1945), đặc biệt là việc hưởng ứng phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động từ năm 1966, biểu hiện qua tất cả các loại hình báo chí, v.v.
+ Những vấn đề bất cập, lệch lạc, yếu kém của việc dùng tiếng Việt trên truyền thông: Cách viết, cách nói, cách truyền đạt chưa thật đúng, chưa thật chuẩn (Lưu ý: cách dùng từ, đặt câu, cách sử dụng các nghi thức lời nói, cách thể hiện văn bản và thể hiện thông điệp truyền thông bằng văn bản và tiếng nói, vấn đề phương ngữ trên truyền thông đại chúng, chính tả và chuẩn chính tả, việc xử lí tên nước ngoài trên báo chí và đặc biệt trên sóng phát thanh, truyền hình; cách sử dụng ngôn ngữ trong việc đặt tít, rút tít, trình bày ma-két (maquette), thiết kế (design) và giao diện báo điện tử, v.v.; Việc giữ gìn bản sắc tiếng Việt qua truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa với trào lưu tiếng Anh đang thâm nhập mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực; v.v.).
6. Quy cách bài viết: Toàn văn tham luận từ 3.000 đến 5.000 từ; Bản tóm tắt tham luận từ 150-200 từ, dùng phông chữ Unicode, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 13-14; Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ các thông tin cá nhân (bút danh, tên thật, nghề nghiệp hiện tại, nơi công tác, học hàm, học vị (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, email...) để tiện liên hệ. Mỗi báo cáo viên có thể tham gia hơn 1 bài.
7. Thời hạn nhận bài:
- Ban Tổ chức nhận đăng kí và Tóm tắt tham luận từ ngày 15-7-2016 đến hết ngày 20-8-2016.
- Hạn cuối cùng nộp Toàn văn tham luận: 20-9-2016.
- Địa chỉ nhận bài: Ban Tổ chức Hội thảo Khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng", Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội;
Email: hoithaodaitiengnoivietnam2016@gmail.com; Hotline: 04.39365555.
8. Tham luận đúng chủ đề, có chất lượng được chọn và đăng trong Kỉ yếu Hội thảo. Các báo cáo viên sẽ được nhận nhuận bút theo chế độ hiện hành.
9. Ban Tổ chức sẽ thông báo các thông tin cần thiết và gửi giấy mời cho các báo cáo viên nếu tham luận được chấp nhận đưa vào Hội thảo.
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO HỘI THẢO
TỔNG GIÁM ĐỐC ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
PGS TS Nguyễn Thế Kỷ