(VOV) Sáng nay, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải đồng chủ trì hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước. Cho đến thời điểm này, VN đã hình thành 12 tập đoàn kinh tế nhà nước như tập đoàn: Bưu chính viễn thông, Than khoáng sản, Dệt may, Điện lực, Dầu khí…Các tập đoàn này ít nhất đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, hơn một nửa tổng vốn chủ sở hữu, gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và đang chiếm lĩnh thị trường trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bộ, ngành liên quan tiếp tục tiến hành sơ kết đánh giá thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước một cách sâu hơn và cụ thể hơn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tiếp tục rà soát hoàn thiện khung pháp luật, thể chế một cách cụ thể đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các tập đoàn kinh tế. "Trước hết sửa Nghị định thực hiện quyền chủ sở hữu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ tổng hợp, Bộ quản lý ngành, Hội đồng quản trị, Tổng công ty đầu tư vốn rồi doanh nghiệp đã cổ phần hóa và khung thể chế này phải rà soát lại để hoàn thiện. Tôi đề nghị theo hướng làm rõ tập trung vào 2 khâu: hội đồng quản trị và bộ chủ quản lỳ ngành... Giao mạnh, trách nhiệm chính, chủ yếu là 2 khâu này này kể cả về chiến lược, quy hoạch, đầu tư, quản lý vốn, thanh tra kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật, cán bộ."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với mô hình và cơ chế quản trị của các tập đoàn kinh tế; phát huy chức năng và tính chất của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; phân định rõ quyền hạn quyết định trong công tác cán bộ. Các Tập đoàn kinh tế cũng như các Tổng công ty 91 chậm nhất trong quý 1 năm 2012 trình Chính phủ phương án cụ thể sắp xếp, cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty theo hướng tập trung sức vào ngành nghề chính để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời rà soát, sửa đổi và hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ, điều lệ hoạt động, quy chế tài chính, quy chế cán bộ… Đây cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành những chính sách có thể làm ngay từ đầu năm tới, đồng thời hoàn thiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước./.