(VOV5) - Ngày 10/07, tại Campuchia, diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (với ba nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê công- Nhật Bản lần thứ 5 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê công- Hàn Quốc lần thứ 2. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị này.
|
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN+3 (ảnh: Tuấn Anh) |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, các Bộ trưởng cho rằng tiến trình ASEAN+3 đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, hiện là một trong các cơ chế hợp tác năng động và hiệu quả nhất trong thúc đẩy hợp tác và liên kết ở Đông Á. Các Bộ trưởng hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tăng ngân sách cho việc thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng mai từ 120 tỉ USD lên 240 tỉ USD; đề nghị sớm triển khai Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 ký tháng 10/2011... Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ ASEAN+3 và sự tham gia tích cực và đóng góp quan trọng của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với tiến trình hợp tác. ASEAN đề nghị các Đối tác tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển… cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại các khuôn khổ, diễn đàn khu vực.
Trong thảo luận, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh khẳng định lại lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh lại các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Nhật Bản diễn ra sau đó đã thông qua "Kế hoạch hành động Mê Công - Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo 2012". Theo đó, các bên nhất trí triển khai các hoạt động và biện pháp cụ thể trong ba trụ cột hợp tác chính gồm: Tăng cường kết nối khu vực Mê Công; Cùng nhau phát triển (hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch..); và Bảo đảm an ninh con người và môi trường. Hội nghị nhấn mạnh việc thực hiện nhanh chóng và hiệu quả Kế hoạch hành động có ý nghĩa quan trọng đối với "Quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung" giữa các nước Mê Công và Nhật Bản. Hội nghị cũng hoan nghênh việc ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan thiết lập cơ chế họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao để giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy phát triển Hành lang Đông - Tây (EWEC), đồng thời ghi nhận các khuyến nghị đưa ra tại cuộc họp lần thứ nhất của cơ chế này (tại Quảng Trị, tháng 5/2012).
Phát biểu tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mê Công - Nhật Bản, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định hợp tác hiệu quả, thực chất giữa các nước về quản lý nguồn nước là một trong những điều kiện căn bản cho sự thành công của "Một thập kỷ Mê Công xanh" và đề nghị Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Công (MRC) và các nước thành viên phối hợp chặt chẽ để sớm triển khai nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, trong đó có tác động của đập thuỷ điện trên dòng chính.
Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Campuchia