Hội nghị SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN

(VOV5) - Hội nghị SOM ARF lần này tập trung đánh giá triển khai các hoạt động hợp tác trong năm giữa kỳ 2015-2016 và bàn cách thức tăng cường và định hướng tương lai ARF, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Hội nghị SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN - ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị


Trong khuôn khổ các cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cuộc họp liên quan, tổ chức tại cố đô Luang Prabang của Lào, ngày 8/5 tiếp tục diễn ra cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của 27 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và nhiều đối tác lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam làm Trưởng đoàn. 


Hội nghị SOM ARF lần này tập trung đánh giá triển khai các hoạt động hợp tác trong năm giữa kỳ 2015-2016 và bàn cách thức tăng cường và định hướng tương lai ARF, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế. Cuộc họp cũng bàn công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Lào vào cuối tháng 7/2016. Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF, các nước đã trao đổi về các dự thảo Tuyên bố ARF, trong đó có dự thảo tuyên bố do Việt Nam đề xuất về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF. Đây là đề xuất dự thảo tuyên bố đầu tiên của Việt Nam trong ARF nhằm khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF, qua đó giúp tăng cường lòng tin, giảm thiểu rủi ro va chạm do hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ trên biển. Dự thảo do Việt Nam đề xuất nhận được phản hồi và đóng góp tích cực của nhiều bên, trong đó EU và Australia đã nhận đồng bảo trợ. Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình CHDCND Triều Tiên, Biển Đông, Ukraine, di cư, chống khủng bố. 


Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác