Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam- Lào- Thái Lan về Hành lang kinh tế Đông

Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam- Lào- Thái Lan về Hành lang kinh tế Đông - ảnh 1
Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao ba nước Việt Nam-Lào-Thái Lan về Hành lang Kinh tế Đông-Tây (phần phía Đông). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

(VOV5) - Sáng 18/5, tại tỉnh Quảng Trị, đã khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam- Lào- Thái Lan về Hành lang Kinh tế Đông Tây. Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao 3 nước, các tỉnh thành phố nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây của 3 nước Việt Nam- Lào- Thái Lan, các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị. Hội nghị là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của 3 quốc gia Việt Nam- Lào- Thái Lan nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; đặc biệt là các nhà đầu tư, tài trợ thực hiện các dự án trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông- Tây. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cho rằng để khai thác tối đa lợi ích của hành lang kinh tế Đông – Tây, các quốc gia cần: “Các nước cần chia sẻ tầm nhìn, cùng nhau xác định khó khăn, thách thức, cơ chế hợp tác, lộ trình tháo gỡ, hỗ trợ các diễn đàn trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Xây dựng cơ chế phối hợp đánh giá những mặt được và xử lý những vấn đề nảy sinh. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành trung ương, địa phương giữa các nước trên tuyến hành lanh kinh tế Đông Tây.”

Tại Hội nghị đại diện 3 nước Việt Nam Lào, Thái Lan cũng thống nhất quan điểm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế đặc biệt là Nhật Bản và Ngân hàng phát triển Châu Á; giới thiệu, quảng bá và xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng tiềm năng thế mạnh của địa phương và cả khu vực, đưa Hành lang Đông Tây từ một hành lang giao thông thành hành lang kinh tế phát triển.

Hành lang Kinh tế Đông - Tây  dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông là Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đây là 1 trong 3 dự án hợp phần phát triển trụ cột của Tiểu vùng Mê kông mở rộng do Ngân hàng phát triển Châu Á và Nhật Bản khởi xướng, nhằm thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư và xoá đói giảm nghèo trong lưu vực sông Mê kông. 

                                               

Phản hồi

Các tin/bài khác