Hội thảo khoa học 70 năm Hiến pháp Việt Nam

(VOV5) - Sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học 70 năm Hiến pháp Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, tiếp tục phát huy những giá trị của bản Hiến pháp đầu tiên trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Hội thảo khoa học 70 năm Hiến pháp Việt Nam - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Ký‎ Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)



Tại hội thảo, các đại biểu đã tiếp tục làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự ra đời bản Hiến pháp đầu tiên, vai trò của Hiến pháp 1946 đối với cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và những giá trị mang tính thời đại của bản Hiến pháp này đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Theo các đại biểu, điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1946 là đề cao vai trò của nghị viện nhân dân; nhấn mạnh vai trò giám sát của nghị viện. PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII, phân tích: “Bản Hiến pháp năm 1946 đặt ra những giá trị dân chủ đầu tiên mà chính thể chúng ta theo, đó là chính thể nghị viện. Nó là chính thể rất đặc biệt, vừa đề cao nghị viện nhưng cũng vừa đề cao người đứng đầu. Người đứng đầu nước lại đồng thời là người đứng đầu Chính phủ, lại do nghị viện bầu. Đó là điểm đặc sắc của Việt Nam. Những giá trị đó chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, khai thác, để cắt nghĩa vì sao hồi đó các bậc tiền nhân lại đặt ra cách làm rất đặc thù của Việt Nam như vậy”.

 

Những giá trị trong các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1946 cũng được các đại biểu tập trung thảo luận. Đây là nội dung đã được nghiên cứu, tiếp thu tương đối nhiều trong quá trình xây dựng Hiến pháp 2013.

 

Cùng ngày, Triển lãm 70 năm Hiến pháp Việt Nam cũng được khai trương. Triển lãm trưng bày gần 100 hình ảnh tài liệu tiêu biểu về các sắc lệnh, văn kiện, bài báo liên quan đến công tác soạn thảo, thông qua Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp về sau.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác