(VOV5) - Sáng 12/12, tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra Hội thảo Khoa học với chủ đề “Hợp tác Biển Đông-Lịch sử và triển vọng”. Tham gia Hội thảo có hơn 100 nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông. Đây là cuộc hội thảo chuyên đề về Biển Đông thu hút sự quan tâm của giới khoa học VN và quốc tế.
Hội thảo cũng tập trung làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hoá, khả năng hợp tác, phát triển giữa các quốc gia khu vực Biển Đông. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Vấn đề biển Đông không còn là địa chính trị của khu vực Đông Nam Á nữa mà nó trở thành địa chính trị toàn cầu. Tôi nghĩ rằng cái triển vọng hợp tác là rất lớn. Nhân loại cần có hòa bình, cần phát triển bền vững. Cho nên hướng về hợp tác hòa bình, giải quyết các xung đột ở biển Đông là cái hướng chủ yếu.”
|
Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học công bố những thành tựu nghiên cứu mới về Biển Đông, làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hoá, khả năng hợp tác, phát triển giữa các quốc gia khu vực Biển Đông từ góc độ lịch sử và triển vọng. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị -Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: “Hoàng Sa, Trường Sa là những địa danh thân thuộc gắn liền với con người Việt Nam hàng ngàn đời nay của dân tộc. Hoàng Sa, Trưởng Sa là một phần không tách rời với đất nước Việt Nam. Vùng biển và hải đảo là một không thể tách rời đối với dân tộc Việt Nam. Trong xu thế đổi thay và nhanh chóng của thế giới, sự phát triển vượt bậc có ý nghĩa lịch của Việt Nam càng gợi mở cho chúng ta hợp tác biển Đông”.