Hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

Hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - ảnh 1
Đời sống của những người sống ở khu vực cầu Long Biên sẽ được mô tả trong các thước phim chiếu trong Tuần lễ văn hóa và phát triển (ảnh Internet)

(VOV5) - Đối thoại “Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam” diễn ra chiều 5/3 tại Hà Nội. Đây là hoạt động mở màn cho Tuần lễ “Văn hóa và Phát triển” do Văn phòng Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức từ 5 - 9/3 tại Hà Nội.

4 vị khách mời tại buổi đối thoại là: bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; ông Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi; Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa; Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tham gia buổi đối thoại còn có các nhà hoạch định chính sách cấp cao, đại diện một số tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và giới truyền thông.

Các ý kiến tại cuộc đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của của sự hợp tác đa ngành trong bảo tồn và phát triển văn hóa. Theo đó, việc cung cấp nguồn kinh phí từ Nhà nước và các nhà tài trợ nước ngoài không bao giờ đủ cho hoạt động văn hóa. Cho nên, việc tài trợ của các doanh nghiệp cho các cơ quan văn hóa luôn là vấn đề sống còn đối với việc phát triển văn hóa. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nêu ý kiến:  “Tôi nghĩ có 3 hình thức hợp tác cơ bản. Thứ nhất các doanh nghiệp có thể thành lập quỹ dành cho phát triển văn hóa-xã hội. Thứ hai các doanh nghiệp có thể ủy thác giúp cho các tổ chức phi Chính phủ có uy tín sử dụng đồng tiền của mình một cách hữu hiệu nhất cho vấn đề phát triển văn hóa. Thứ ba là các doanh nghiệp có thể tài trợ trực tiếp cho các hoạt động văn hóa. Chúng ta cũng nên học kinh nghiệm quốc tế, tức là doanh nghiệp khi tài trợ về văn hóa họ sẽ được hưởng lợi về thương hiệu, danh tiếng, nhiều nước còn giảm thuế cho doanh nghiệp.”

Các ý kiến tại cuộc tọa đàm cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của giới truyền thông trong việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thu nguồn tài trợ cho các hoạt động văn hóa.

Ngọc Anh

 

Phản hồi

Các tin/bài khác