Khai mạc Hội thảo quốc tế về biển đông

(VOV5) - Sáng 19/11), tại TP HCM, Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”. Hội thảo diễn ra từ nay đến 21/11.



Khai mạc Hội thảo quốc tế về biển đông - ảnh 1
Hơn 100 đại biểu là học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ đã tham gia hội thảo. (Ảnh: dantri)


Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC) được ký kết.

Trong diễn văn khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao điểm lại khái quát tình hình Biển Đông trong một năm qua, cùng với những nỗ lực của các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp góp phần ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác để Biển Đông tiếp tục là khu vực hòa bình.

Đây là một diễn đàn khoa học nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu, thảo luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông, về lợi ích của các bên liên quan và về những sự kiện xảy ra trên Biển Đông thời gian gần đây.


Qua đó đề xuất những kiến nghị cho Chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, khủng hoảng ở Biển Đông. Đồng thời đề xuất các kênh, phương cách để các nghiên cứu, trao đổi học thuật có tác động tích cực hơn tới công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo trong các quyết sách của họ liên quan đến Biển Đông.

Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết: Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. “Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp đảo, tranh chấp khu vực biển; các vấn đề an ninh phi truyền thống như: cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, sự xuống cấp của các nguồn hải sản; biến đổi khí hậu… đang ngày càng nghiêm trọng. Tình hình càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải có nỗ lực lớn hơn, đồng thời cần tìm ra các phương cách hiệu quả hơn để đưa các kết quả nghiên cứu,  khuyến nghị, chính sách đi vào cuộc sống”./.


Phản hồi

Các tin/bài khác