(VOV5) - Sáng 9/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 21. Đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho kì họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 tới.
|
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận lần cuối cùng về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi báo cáo Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cho ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và 13 dự án Luật khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Tháng 10 tới, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được trình ra Quốc hội và sẽ thông qua theo tiến độ đã quy định. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận thật kĩ lưỡng, thận trọng và chắc chắn. Trong hoạt động giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Cũng theo chương trình dự kiến phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp và các báo cáo quan trọng khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kì họp cuối năm này Quốc hội sẽ nghe nhiều báo cáo vì kì họp này là kì họp giữa nhiệm kì của Quốc hội cũng là kì họp giữa nhiệm kì của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đánh giá lại tình hình của năm nay, dự kiến tình hình của năm sau và nghe, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm của 2 năm. Từ đó sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Đại hội 11 đã đặt ra. Tôi mong các đại biểu làm việc hết sức mình cho kì họp cuối năm thành công.
Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.