(VOV5)- Đại biểu Quốc hội cần chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu.
Chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dự thảo Nghị quyết có 24 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các điều khoản nhằm nâng cao việc tiếp công dân, cũng như tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội, các ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó, Dự thảo quy định rõ về “nơi tiếp công dân của Quốc hội”, “không hạn chế đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân”. Theo đó, ngoài trách nhiệm tiếp công dân ở Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết tiếp công dân
Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội Cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục góp ý sửa đổi, bổ sung để Nghị quyết được triển khai hiệu quả, phù hợp với Hiến pháp./.