Khủng hoảng toàn cầu, phong trào cánh tả và phong trào tiến bộ tại Đông Nam Á

(VOV5) - Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khủng hoảng toàn cầu và chiến lược của các phong trào cánh tả và phong trào tiến bộ xã hội tại Đông Nam Á” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) và Mạng lưới Đoàn kết nhân dân Nam – Nam phối hợp tổ chức, khai mạc sáng 21/08, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo là hơn 40 đại biểu đến từ các tổ chức hòa bình, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Hội thảo được chia làm 4 phần, gồm: Tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đến các nước; Phản ứng của các nước và các thể chế quốc tế; Tình hình phong trào nhân dân; Chiến lược của các nước phương Nam và chương trình hành động. Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình nêu rõ:“Trong những năm qua, Việt Nam sau nhiều thập kỷ bị chiến tranh tàn phá, đang mong muốn có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới đó đã đạt được một số thành tựu, đưa đất nước từ kém phát triển trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp và đầy những khó khăn, thử thách như hiện nay.”

Bàn về những thách thức chung hiện nay, Trưởng đại diện RLS tại Việt Nam, bà Nadja Charaby khẳng định những thay đổi cần thiết để cải tạo hệ thống con người trên trái đất không thể xảy ra trong hệ thống tư bản hiện hành đang thống trị trên toàn cầu; sự tiến bộ của loài người, sự gắn kết xã hội, một cộng đồng vững mạnh, dân chủ và công bằng xã hội là những  yếu tố quan trọng cần có trong sự phát triển hiện nay.

Hội thảo diễn ra trong các ngày 21 và 22/08 là dịp đại diện các tổ chức tiến bộ thảo luận, phân tích về các vấn đề liên quan đến khủng hoảng toàn cầu; những bất cập của các biện pháp cứu trợ hiện nay. Bên cạnh đó củng cố Mạng lưới Đoàn kết Nhân dân Nam – Nam, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các tổ chức tiến bộ thuộc khu vực Đông Nam Á./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác