Kiều hối có thể đạt 11 tỷ USD trong năm 2012


-Ngoài ra, vốn giải ngân FDI thực tế cả năm có thể đạt mức tương đương với 2011, khoảng 11 tỷ USD.

Mục tiêu năm 2012, Việt Nam thu hút khoảng 8-9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các dự báo hiện nay cho thấy nguồn kiều hối năm 2012 có thể đạt khoảng 10-11 tỷ USD.


“Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Việt Nam vẫn có được sự bổ trợ ngoài dự đoán từ nguồn kiều hối và nguồn vốn đầu tư FDI được duy trì khá ổn định, những nhân tố này đã tạo nên đối trọng đáng kể giúp nguồn vốn đầu tư và do đó là tăng trưởng kinh tế năm 2012 không suy giảm quá sâu” – các thành viên của Ủy ban này phân tích và dẫn số liệu 11 tháng 2012, vốn giải ngân FDI thực tế đạt 10 tỷ USD. Dự báo cả năm 2012 có thể đạt mức tương đương với 2011, khoảng 11 tỷ USD.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật được Ngân hàng Thế giới công bố, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2012 có thể đạt con số 9 tỷ USD, đứng thứ 7 trong nhóm các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2012.

Ngân hàng thế giới  (WB) nhận định, các nước đang phát triển sẽ nhận được tổng cộng 406 tỷ USD kiều hối năm 2012, tăng 6,5% so với năm ngoái. Dẫn đầu danh sách này là Ấn Độ với 70 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc (66 tỷ USD), Philippines và Mexico (24 tỷ USD) và Nigeria (21 tỷ USD). Việt Nam nhận 9 tỷ USD, xếp thứ 7 sau Hy Lạp (18 tỷ USD), Pakistan và Bangladesh (14 tỷ USD).

Từ thực tế qui mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam, ông Deepak Mishra (kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam rất nhỏ so với các nước khác. Kinh tế Việt Nam lại dễ chuyển từ VND sang USD. Điều này ảnh hưởng đến lượng cung tiền trên thị trường liên ngân hàng (M2).

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 quốc gia, trong đó khoảng 400.000 lao động xuất khẩu. Năm 2010, với 8,26 tỷ USD kiều hối, Việt Nam xếp thứ 9 trong số các quốc gia đang phát triển về nhận kiều hối. Năm 2011, kiều hối Việt Nam đạt 9 tỷ USD, bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại./.

Vũ Hạnh/VOV online

Phản hồi

Các tin/bài khác