Kinh tế đối ngoại tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế

(VOV5)- Thủ tướng cũng chỉ đạo vận động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Sáng ngày 17/12/2013, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Phiên họp chung với Hội nghị Tham tán Thương mại với chủ đề "Hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại ngày càng có vai trò quan trọng. Vì thế từng cán bộ, nhân viên trong ngành cần tiếp tục quán triệt, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Trước hết phải tập trung khai thác tối đa thị trường sản phẩm truyền thống, mở rộng khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương. Bên cạnh đó cần tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Tôi đề nghị thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam. Trong nước thì cải cách, tạo mọi điều kiện thể chế, cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư, công khai minh bạch các định chế, cơ chế thị trường cho thông thoáng, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…, vừa góp phần tăng trưởng, vừa góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại. Các đồng chí đại sứ, thương vụ phải làm nhiệm vụ này quyết liệt và rất cụ thể.



Kinh tế đối ngoại tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Các tham luận tại hội nghị cũng khẳng định công tác hội nhập quốc tế mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 năm qua, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 5 quốc gia và đối tác toàn diện với 2 nước; mở rộng một số thị trường tiềm năng như Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi. Chia sẻ thành công từ kinh nghiệm của mình trong năm qua, ông Nguyễn Xuân Thủy, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, quốc gia vừa thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam tháng 6 vừa qua, cho biết: Với nền kinh tế đang đứng thứ 10 thế giới thì Indonesia đang nổi lên là một thị trường đầy tiềm năng và chúng tôi nhận thấy là phải có trách nhiệm nghiên cứu, nắm bắt những chuyển biến, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước để tìm ra phương thức tăng cường hợp tác. Nếu như nhìn thực tế, kinh tế thế giới trong mấy năm vừa qua lao đao nhưng Indonesia vẫn giữ được tốc độ phát triển tương đối đều, trên 6%/năm và liên tục trong mấy năm qua. Đó là những bài học kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo.

Hội nghị nhất trí xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế để trình Chính phủ trong thời gian tới./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác