Lạm phát ổn định quanh mức 7%, mục tiêu tăng trưởng 5% vẫn khó khăn

(VOV5)-Theo báo cáo đánh giá kinh tế 9 tháng của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia , những chính sách của Chính phủ được thực hiện trong thời gian qua với định hướng ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đạt được những kết quả nhất định.


Lạm phát ổn định quanh mức 7%, mục tiêu tăng trưởng 5% vẫn khó khăn - ảnh 1


Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá, về tổng thể, lạm phát trong 9 tháng đầu năm đã được kiểm soát ở mức thấp (tăng 4,63% so với đầu năm) và ổn định hơn so với nhiều năm trở lại đây. Biểu hiện qua mức độ phân tán của tốc độ tăng CPI so với giá trị trung bình đạt mức khá ổn định trong 9 tháng/2013, thấp hơn nhiều so với năm 2012 và năm 2011.

Xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7%

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lạm phát trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong 2 tháng, tháng 8 (tăng 0,83% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng kỳ) và tháng 9 (tăng 1,06% so với tháng 8 và tăng 6,3% so với cùng kỳ) tăng chủ yếu là do tác động của việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản, và dịch vụ công (y tế, giáo dục) và một phần do yếu tố mùa vụ mà không chịu nhiều tác động của những yếu tố cơ bản như mở rộng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa. Chỉ số mùa vụ của CPI thường có xu hướng tăng cao trong 2 đợt, từ tháng 9 cho đến cuối năm và trong dịp tết nguyên đán.

Phân tích các thành phần của lạm phát cho thấy khá rõ về nhận định này của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Cụ thể, dưới tác động của Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ - tài khóa, thành phần chu kì của lạm phát sau khi đạt đỉnh vào tháng 8/2011 đã liên tục giảm xuống và chạm đáy vào tháng 7/2012, thành phần này chỉ thực sự có tác động nhẹ trở lại vào tháng 7 và tháng 8/2013 và gần như không gây tác động đáng kể nào đến CPI trong tháng 9/2013.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xu thế này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những tháng cuối năm 2013. Mặt khác, thành phần xu hướng mang tính dài hạn của lạm phát đang tiếp tục giảm nhẹ và ổn định quanh mức 7%.

Mục tiêu tăng trưởng 5,5% vẫn khó khăn

Theo đó, tăng trưởng GDP trong quí 3/2013 đạt cao hơn dự kiến (tăng 5,54% so với quí II/2013), góp phần đưa GDP 9 tháng/2013 đạt mức tăng (5,14%) khá hơn đôi chút so với cùng kỳ năm 2012 (5,1%, tính theo giá so sánh 2010)

Theo đánh giá của Uỷ ban giám sát tài chính, dựa trên đặc tính mùa vụ, chỉ số mùa vụ của tổng sản lượng thường đạt mức cao nhất vào quí 4 hàng năm, tăng trưởng GDP quí 4/2013 do đó sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng cao hơn so với quí 3/2013.

Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2013 sẽ vẫn khó khăn, bởi những yếu tố nền tảng tạo nên tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay đều chưa có sự hồi phục mạnh mẽ.

Cụ thể, sản xuất của nền kinh tế có xu hướng cải thiện nhưng chậm. Mặc dù hàng tồn kho công nghiệp chế biến chế tạo giảm khá mạnh và chỉ số phát triển công nghiệp cũng có xu hướng tăng dần đều qua từng tháng để đạt mức tăng 5,4% trong 9 tháng/2013, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước), nhưng tốc độ tăng nhập khẩu của các mặt hàng tư liệu phục vụ sản xuất vẫn chỉ ở mức khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, tham khảo chỉ số PMI Việt Nam của HSBC trong 8 tháng đầu năm cho thấy chỉ số này sau 2 tháng 3 và tháng 4/2013 liên tục tăng đã có 4 tháng liên tiếp đạt dưới mức 50 điểm. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khá thận trọng trong việc mở rộng sản xuất khi các điều kiện thị trường chưa thực sự thuận lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tổng cầu được cải thiện nhưng còn khá yếu. Theo đó, cầu tiêu dùng đã có xu hướng tăng dần qua từng tháng nhưng vẫn ở mức tương đối yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 9 tháng/2013 vì vậy chỉ đạt mức tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2012 tăng 6,7% so với năm 2011). Có thể thấy rằng, tổng cầu thấp sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất của nền kinh tế trong quí 4 khó có điều kiện tăng mạnh đột biến so với quí 3/2013.

Vì vậy, chính sách điều hành trong thời gian tới cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước và củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường./.

Phản hồi

Các tin/bài khác