Lắng trong giá trị Việt- Chương trình đặc biệt của Đài TNVN đêm giao thừa

Lắng trong giá trị Việt- Chương trình đặc biệt của Đài TNVN đêm giao thừa  - ảnh 1

Ông Uông Ngọc Dậu Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị tổng hợp, Tổng đạo diễn chương trình đặc biệt đêm giao thừa của Đài TNVN

-Chia sẻ của Tổng đạo diễn chương trình-ông Uông Ngọc Dậu về ý tưởng xuyên suốt của chương trình đặc biệt đêm giao thừa Đài TNVN.

PV: Thưa ông, với chủ đề “Lắng trong giá trị Việt”, chương trình đặc biệt giao thừa Xuân Quý Tỵ, VOV muốn gửi gắm điều gì đến đồng bào, chiến sĩ cả nước?..

Ông Uông Ngọc Dậu: Trong những năm qua, trong quá trình hội nhập của đất nước, có những điều phải nói là được, nhưng cũng có những điều qua quá trình và một số năm vừa rồi mới thấy rằng chưa được. Có những vấn đề có thể phát triển nóng, hướng ngoại, học những điều không phù hợp với chúng ta. Và có những lúc ta phải nhìn nhận lại mình rằng, có vẻ chưa ổn.

Chính những năm vừa qua xu thế hội nhập trong bối cảnh có nhiều biến động không chỉ lĩnh vực kinh tế mà còn ở lĩnh vực con người, an ninh, môi trường… Ta mới thấy rằng, có những điều ta cần phải điều hòa lại, phải lắng lại, suy ngẫm. Để biết đâu là cái cần phải tiếp thu, đâu là gốc, giá trị bản chất của giá trị Việt. Trên nền như thế chúng ta mới hội nhập, mới tiếp thu một cách bền vững.

PV: Qua những câu chuyện, phóng sự… Xin ông cho biết nội dung xuyên suốt của chương trình?

Ông Uông Ngọc Dậu: Thậm chí qua năm vừa rồi hay ngay cả bước tới dịp Tết Nguyên đán này, ta thấy, câu chuyện khiến ta phải băn khoăn suy nghĩ như là: có doanh nghiệp thưởng cho người lao động cả mấy trăm triệu đồng, nhưng có doanh nghiệp chỉ mấy chục cái quần đùi, thậm chí chỉ mấy trăm nghìn đồng. Và có những lĩnh vực, những ngành chẳng có đồng tiền thưởng Tết nào. Ở đây có điều gì đấy bất ổn. Sự bất ổn này có thể dễ dàng làm xảy ra những xung đột dẫn đến sự không bền vững và sẽ tụt hậu không phát triển được. Cho nên chương trình giao thừa năm nay, ý tưởng xuyên suốt là: “Lắng trong giá trị Việt” qua những cuộc trao đổi, tọa đàm xem xem chúng ta cần tiếp cận xu thế mới trong hội nhập như thế nào? Xem đâu là cái hồn Việt, giá trị Việt để phát triển lên. Đã đến lúc ta không thể khoe, ta là đất nước có tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào. Điều đó không đem lại giá trị sản phẩm hay đem lại giá trị thương hiệu cho chúng ta.

Phải suy nghĩ lại xem những nước láng giềng cạnh ta có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, tương đồng về điểm xuất phát. Tại sao đất nước người ta lại phát triển nhanh, bền vững. Đất nước họ tạo ra được những giá trị sản phẩm hàm lượng trí thức cao và đem lại giá trị lớn cho người lao động, cho dân tộc của họ. Ví dụ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, thậm chí gần ta như Thái Lan.

Chúng ta phải suy nghĩ lại để xem, người Việt Nam ta cần phát huy từ cốt lõi là giá trị văn hóa, giá trị tinh thần cho đến vấn đề nhân tài, vật lực. Làm sao để đất nước ta có nhiều hiền tài thì không chỉ là chương trình giao thừa mà trong suốt các chương trình mùng 1 và 2 Tết và các chương trình trong ngày Tết Quý Tỵ này. Tất cả các chương trình đều xoay sang mạch thông tin đã nói. Rồi câu chuyện từ những phóng sự, cho tới những cuộc đối thoại, tọa đàm cũng đều xoay quanh mạch chính như thế.

Ở đây chúng tôi mỗi năm có một cách tiếp cận mới về những chương trình Tết và các chương trình năm sau cũng xoay quanh một trục như thế để làm toát lên một thông điệp, một mạch chủ đề xuyên suốt.

Thực ra tên gọi của chương trình là “Lắng trong giá trị Việt” nhưng một mạch nữa là suy ngẫm về sự hài hòa. Sự hài hòa, trong xử thế. Sự hài hòa trong một quốc gia, một dân tộc để làm sao không có những khoảng cách lớn, không tạo ra những xung đột lớn. Để sự hài hòa đó khắc phục những khuyết tật, khắc phục những bất hòa thường làm xảy ra xung đột và xung đột khắc với sự ổn định, với sự bền vững. Mà hài hòa đi liền với bền vững, với đồng thuận, ý tứ của nó được gói gọn trong “Lắng đọng giá trị Việt” đồng thời xoay quanh bàn luận về ứng xử hài hòa.

PV: Để chuẩn bị cho chương trình đặc biệt này, công tác chuẩn bị của những người thực hiện như thế nào?

Ông Uông Ngọc Dậu: Chương trình giao thừa đã được chúng tôi chuẩn bị từ mấy tuần nay. Khởi đầu từ xây dựng ý tưởng đến triển khai ý tưởng đó. Sẽ có một ê kíp thực hiện chương trình từ 18h chiều 29 Tết đến 1h sáng ngày mùng 1 Tết. Trong đó, có nhiều chương trình đan xen gồm: ca nhạc, thơ phù hợp với không gian tiết tấu của đêm giao thừa. Bên cạnh đó, chương trình có sự tham gia của các cơ quan thường trú của Đài TNVN, các đơn vị liên quan như: Trung tâm tin, Trung tâm Âm thanh và các đơn vị khác nữa, tạo nên một sản phẩm có đóng góp tổng lực của Đài. Chương trình có thể như là tiếng nói riêng của Đài TNVN đối với công chúng, đối với thính giả./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Hừng La/VOV online
Thực hiện

Phản hồi

Các tin/bài khác